RECAP HỘI THẢO: “HỢP TÁC DOANH NGHIỆP & TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG GIẢM THIỂU CARBON: XU HƯỚNG & CƠ HỘI” TẠI TP.HCM & HÀ NỘI
- Người viết: Trần Thị Khánh Hoà lúc
- Tin tức
- - 0 Bình luận
RECAP HỘI THẢO: “HỢP TÁC DOANH NGHIỆP & TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG GIẢM THIỂU CARBON: XU HƯỚNG & CƠ HỘI” TẠI TP.HCM & HÀ NỘI
Ngày 11/08 tại TP.HCM và 18/08 tại Hà Nội, hội thảo “Hợp tác doanh nghiệp & Tổ chức xã hội trong giảm thiểu Carbon: Xu hướng & Cơ hội” đã diễn ra với sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và một số lĩnh vực khác. Hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ dự án Win-Win for Việt Nam hợp tác với Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E).
Mở đầu hội thảo, Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Bà Brenda Candries - Programme Manager phát biểu chào mừng và chia sẻ mối quan tâm và sự khuyến khích của Liên minh Châu Âu về tầm quan trọng của hợp tác của khu vực doanh nghiệp với các nhân tố phi chính phủ (NSAs) để đạt được sự phát triển bền vững và thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong tất cả các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, giảm thiểu carbon và hành động khí hậu.
Trong phiên chia sẻ của hội thảo, TS. Lothar Rieth (Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn Năng lượng EnBW (Đức), Phó Chủ tịch tổ chức Pro NGO!) nhấn mạnh "Chiến lược giảm phát thải của doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột: giảm thiểu (phát thải), trung hòa, và đền bù carbon. Doanh nghiệp phải đồng thời giảm thiểu và đền bù vì nếu chỉ tập trung vào đền bù carbon thì sẽ bị nhìn nhận là greenwashing (tẩy xanh)." Ngoài ra, TS. Lothar Rieth cũng đã chia sẻ 10 bước cần thực hiện khi các doanh nghiệp, tổ chức muốn làm tín chỉ carbon.
Bàn về dự báo thị trường tín chỉ carbon trong tương lai gần, TS. Nguyễn Quốc Trung (Founder Trung tâm Bảo vệ môi trường & Ứng phó biến đổi khí hậu (CEPVN)) chia sẻ: “Thị trường carbon ở Việt Nam vừa mới thành lập và đang trong quá trình hình thành hành lang pháp lý với cơ chế bám sát theo tiêu chí EU và Mỹ. Tiến trình này cần có những kiến nghị, sự tham gia của các doanh nghiệp để các quy định được hoàn thiện tốt hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm bắt về mọi khâu từ lập tài khoản để gia nhập thị trường, mua bán, bù trừ, cơ chế định giá carbon trên thế giới,...”
TS. Lothar Rieth chia sẻ thêm: “Thị trường tín chỉ carbon là “thị trường” và những nhân tố đóng góp vào thị trường đều có thể ra giá, không có một mức giá chung hoặc cơ bản, các giá trị từ tín chỉ mà người tham gia thị trường đưa ra có thực sự đạt được “tiêu chuẩn vàng” mới là điều doanh nghiệp thật sự cần quan tâm.” Ngoài ra, TS. Lothar cũng cung cấp thông tin về 3 tiêu chí doanh nghiệp cần đạt được để hoạt động sản xuất của sử dụng năng lượng được xem là bền vững (theo EU Taxonomy).
Bài phát biểu của ông Hoàng Anh Dũng (CEO của Intraco) về lộ trình Net Zero cho doanh nghiệp qua 5 giai đoạn và tiềm năng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, chia sẻ “Hiện nay VERRA và Gold Standard là hai tiêu chuẩn carbon đang được đăng ký nhiều ở Việt Nam. Để trở thành Carbon Neutral, các công ty có hai lựa chọn: Giảm lượng khí thải carbon của họ xuống mức 0 hoặc giảm lượng khí thải carbon ở mức tối đa và cân bằng lượng khí thải của họ thông qua bù đắp bằng việc mua tín chỉ carbon.” Bên cạnh đó, ông Hoàng Anh Dũng có chia sẻ thêm về hai dự án hợp tác CSR/CSV trong tín chỉ Carbon ở Việt Nam gồm “Chương trình Tiết kiệm năng lượng Việt Nam” hợp tác với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Chương trình Tương lai xanh rác thải nhựa” hợp tác với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Tại hội thảo, TS. Đào Thị Thu Hằng (Cố vấn các tổ chức quốc tế thực hiện dự án năng lượng sạch tại Việt Nam) chia sẻ về nội dung CSR/CSV trong Chuyển đổi năng lượng, nhấn mạnh rằng “Việt Nam đang đứng trước thách thức và cơ hội rất lớn trong chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên nhu cầu về năng lượng của Việt Nam lớn nhưng hiệu quả sử dụng không cao và chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, khi thực hiện chuyển dịch năng lượng cần chú ý đến nguyên tắc chuyển dịch công bằng để có thể tạo nhiều việc làm, nhiều cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với những người trong nhóm yếu thế.”
Bàn về nội dung CSR/CSV trong Kinh tế tuần hoàn TS. Trương Thị Ái Nhi - Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) chia sẻ: “Có hai cơ chế chính khi thực hiện CSR/CSV trong Kinh tế Tuần hoàn: Cơ chế đầu tiên, doanh nghiệp cần tuân thủ những quy tắc đang sẵn có; Cơ chế thứ hai, người tiêu dùng cần nhận diện vấn đề tiêu dùng và thay đổi hành vi tiêu dùng, sự sẵn sàng chi trả của họ là động lực cho doanh nghiệp, đảm bảo đi đến sự tuần hoàn của kinh tế.”
Theo ông Trần Nhật Minh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển), bối cảnh thực hiện CSR/CSV trở thành một xu hướng tất yếu tuy nhiên vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Bối cảnh trên đã thay đổi cách tiếp cận về vai trò của doanh nghiệp trong xã hội, bên cạnh việc bám sát vào quy định của nhà nước, các chủ tư nhân, doanh nghiệp lớn và ngân hàng cần thể hiện vai trò của mình trong việc tạo cơ chế và dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, các bên nghiên cứu cũng cần nghiên cứu các chính sách và tham gia đóng góp, hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình này diễn ra thuận lợi.
Bên cạnh phần chia sẻ chuyên môn của các chuyên gia, diễn giả giàu kinh nghiệm tại Việt Nam và quốc tế, hội thảo còn có các phiên chia sẻ case study của đại diện các doanh nghiệp và tổ chức xã hội về bối cảnh, kinh nghiệm trong lĩnh vực giảm thiểu carbon và sáng kiến hợp tác tạo giá trị chung. Các case study đã cụ thể hóa quá trình lên ý tưởng và thực hiện tiến trình CSR/CSV vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, vừa hướng đến giá trị bền vững cho cộng đồng. Cụ thể:
📍 Case study từ đại diện Chợ Tốt - Bà Hoàng Minh Xuân với dự án “Mua bán đồ cũ, góp cây tạo sinh kế” hợp tác với chương trình phi lợi nhuận TreeBank;
📍 Case study từ đại diện FoodBank - Ông Nguyễn Tuấn Khởi với dự án “GREEN ACTION” hợp tác với các doanh nghiệp (Starbucks, Mega Market, WinMart);
📍 Case study từ đại diện Green Connect - Ông Huỳnh Hạnh Phúc thực hiện dự án “Giảm thiểu rác thải hữu cơ: Biến rác thải hữu cơ thành trứng gà và gà” hợp tác với Doanh nghiệp (Mega Market), Liên minh Châu Âu, CSO (Hội phụ nữ ở Hà Tĩnh);
📍 Case study từ đại diện VB4E - Bà Nguyễn Thùy Anh về thúc đẩy quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và CSOs trong việc bảo vệ môi trường thông qua mạng lưới VB4E;
📍 Case study từ đại diện Lagom - Ông Trần Văn Hiếu chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với đa dạng đối tác doanh nghiệp & CSO trong giảm thiểu Carbon;
📍 Case study từ đại diện CAS Energy - Ông Trần Anh Đông về các dự án “Xanh hóa mái nhà đô thị, xanh hóa du lịch”.
Ngoài ra, tại phiên tọa đàm của hội thảo, ông Phan Văn Hài đến từ Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Haicorp đã mang đến sáng kiến là một mô hình nuôi tôm công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái có khí thải carbon bằng 0, bằng cách sử dụng hệ sinh thái ven biển, cụ thể là vi tảo để hấp thụ carbon. Đây là một mô hình tuần hoàn khép kín và hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Ông Hài mong muốn nhân cơ hội này kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để cùng nhau thực hiện sáng kiến này.
Trong khuôn khổ dự án Win - Win for Vietnam, RED Communication sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy kết nối doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong các sáng kiến giảm thiểu carbon nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Qua đó, RED đặt mục tiêu CSVhub trở thành nhịp cầu để gợi mở, gắn kết những mối quan hệ hợp tác tiềm năng, nhằm đóng góp vào tiến trình phát triển bền vững tại Việt Nam.
-------
⭐️ Hội thảo chủ đề “Hợp tác Doanh nghiệp & Tổ chức xã hội trong giảm thiểu carbon: Xu hướng & Cơ hội” nằm trong khuôn khổ dự án Win - Win for Vietnam, được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) phối hợp với tổ chức ProNGO! e. V. và Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E). Dự án Win-Win for Vietnam do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đồng tài trợ.
#ESG #PhatTrienBenVung #GiamThieuCarbon #ReduceCarbon
#WinWinForVN #REDcom
Viết bình luận
Bình luận