ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
Hỗ trợ công tác tài chính cho các tổ chức xã hội thuộc dự án “Win-win for Vietnam”
1. Giới thiệu
Từ 1/9/2020, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (gọi tắt là RED) và tổ chức đối tác Pro NGO! (Đức) bắt đầu triển khai dự án “Win-Win For Vietnam - Thúc đẩy sự hợp tác giữa Khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vì Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và sự Phát triển bền vững”, (gọi tắt là dự án “Win-win for Vietnam), nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác giữa khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các hoạt động Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), và Tạo giá trị chung (Creating Shared Value – CSV ) hướng đến đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững Việt Nam (Vietnam Sustainable Development Goals –VSDGs). Dự án Win-win for Vietnam sẽ góp phần xây dựng một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác với các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các dự án CSR/CSV hướng đến các mục tiêu PTBV. Dự án sẽ đồng thời nâng cao nhận thức của các bên về CSR/CSV và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội Việt Nam trong việc hợp tác với doanh nghiệp.
Hiện RED đang tìm kiếm các cán bộ hỗ trợ vòng tài trợ “Kêu gọi sáng kiến hợp tác vì sự phát triển bền vững” cho dự án “Win-win for Viatnam”
2. Mô tả dự án
Quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam tạo ra nhiều vấn đề phát triển. Để giải quyết các vấn đề và đạt được các mục tiêu PTBV cần có nguồn lực rất lớn trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, do đó cần sự tham gia và phối hợp giữa các chủ thể khác nhau ở tất cả các cấp, bao gồm
các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân và cộng đồng. Quan trọng hơn, các nguồn lực cần được phân bổ hiệu quả cho các vấn đề ưu tiên của đất nước để đối phó hiệu quả với những thách thức lớn.
Các tổ chức xã hội Việt Nam đang gặp khó khăn và thiếu nguồn lực để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Trong khi đó, khối doanh nghiệp dần quan tâm đến việc đóng góp vào sự phát triển thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) và Tạo giá trị chung (CSV). Một số công ty lớn ở Việt Nam đã áp dụng hoạt động CSV trong chiến lược của họ, mang lại hiệu quả về xây dựng thương hiệu và lợi ích kinh tế dài hạn. CSR/CSV có thể là một cơ hội để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, phần lớn các hoạt động tập trung vào công tác từ thiện, những sự kiện riêng lẻ, chưa có sự kết nối với các bên liên quan. Bản thân doanh nghiệp chưa có cái nhìn tổng thể về PTBV, dẫn đến các giải pháp thúc đẩy giải quyết những vấn đề địa phương chưa được xác định rõ.
Trong bối cảnh đó, RED hợp tác với tổ chức Pro NGO!, đề xuất dự án Win-win for Vietnam, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các hoạt động CSR/CSV. Dự án đã được Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đồng tài trợ và bắt đầu triển khai từ 1/9/2020 – 29/2/2024. Mục đích của dự án là Thúc đẩy sự hợp tác giữa Khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các hoạt động CSR, CSV hướng đến đạt được các mục tiêu PTBV.
Dự án gồm 3 hợp phần:
(1) Tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp ở Việt Nam trong việc hợp tác thực hiện các dự án CSR/CSV hướng tới đạt được các mục tiêu PTBV.
(2) Xây dựng một mô hình hợp tác hiệu quả giữa khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội ở Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động CSR/CSV.
(3) Nâng cao nhận thức của các bên liên quan về về PTBV và sự hợp tác CSR/CSV hướng tới đạt được các mục tiêu PTBV.
Trong hợp phần 2, dự án sẽ thành lập một Hội đồng cố vấn nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, dự án sẽ tổ chức vòng tài trợ thường niên “Kêu gọi sáng kiến hợp tác vì sự phát triển bền vững” để lựa chọn và trao tài trợ cho 10 dự án của các tổ chức xã hội. Các tổ chức được lựa chọn sẽ được cấp ngân sách từ dự án (tối đa 10.000 EUR) để triển khai các sáng kiến.
3. Mục đích công việc
Mục đích công việc của cán bộ hỗ trợ trong hoạt động này gồm hỗ trợ kế toán dự án để bảo đảm với chất lượng cao các tiêu chí:
- Giúp ngân sách của các Subgrant sau khi được lựa chọn trao tài trợ phù hợp với quy định của dự án và tuân thủ Quy định tài chính.
- Giúp các chi tiêu, hồ sơ tài chính của các Subgrant được tuân thủ đúng quy định.
- Góp phần nâng cao năng lực về tài chính cho các Subgrant.
4. Phạm vi công việc
Tư vấn và trợ lý thực hiện những hoạt động sau:
- Cùng kế toán RED rà soát, kiểm tra ngân sách của các Subgrant đã nộp đề xuất
- Tư vấn về nội dung hợp đồng ký với các Subgrant.
- Hỗ trợ các Subgrant trong giai đoạn thực hiện dự án về mặt tài chính.
- Các buổi tư vấn, họp chung/ hoặc riêng của tư vấn cùng kế toán dự án và kế toán Subgrant được thực hiện để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, tư vấn về hồ sơ tài chính.
- Phối hợp với kế toán rà soát, kiểm tra báo cáo, tập hợp, sắp xếp hồ sơ chứng từ; yêu cầu bổ sung hồ sơ, chứng từ;
5. Kết quả đầu ra
- Các chi tiêu của Subgrant được rà soát lại và tập hợp hồ sơ (bản photo) cùng báo cáo tài chính một cách đầy đủ, thứ tự.
6. Khung thời gian
Dự kiến từ tháng 2/2022 – 02/2024
Khung thời gian có thể được thảo luận thêm khi lựa chọn chuyên gia.
7. Yêu cầu chuyên môn
• Kiến thức: Tốt nghiệp Đại học trở lên, hệ chính quy, chuyên ngành kế toán, tài chính, thuế. Có kiến thức tốt và ưu tiên có nhiều kinh nghiệm tài chính NGO, nhà nước.
• Kỹ năng: Kế toán, kiểm toán, sử dụng thành thạo Tin học Văn phòng, kỹ năng truyền đạt, phân tích và tổng hợp báo cáo;
• Thái độ: Trung thực, nhiệt tình, cẩn thận, có tinh thần trách nhiệm.
9. Nộp hồ sơ
Các chuyên gia/nhóm chuyên gia quan tâm xin mời gửi hồ sơ theo email tuyendung@red.org.vn hoặc gửi bản cứng tới địa chỉ P.707 tòa nhà 142 Lê Duẩn, Hà Nội trước 10/06/2022.
Hồ sơ gồm:
- CV của chuyên gia tham gia
- Các tài liệu có liên quan đến nhiệm vụ tương tự (nếu có)
10. Tiêu chuẩn đạo đức và Sở hữu trí tuệ
Các chuyên gia cần dảm bảo format được xây dựng và tiến hành trên cơ sở tôn trọng và bảo về các quyền và lợi ích của người dân và cộng đồng liên quan; đảm bảo tính chính xác và tin cậy, được thực hiện minh bạch, công bằng, thể hiện trách nhiệm giải trình.
Tất cả các sản phẩm được xây dựng sẽ thuộc quyền sở hữu của dự án. Các chuyên gia sẽ không được phép, nếu không có sự cho phép bằng văn bản, trình bày bất kỳ kết quả phân tích nào với tư cách cá nhân hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu cho mục đích công bố riêng./.
[1] Khái niệm Tạo giá trị chung (Creating Shared Value - CSV) được giới thiệu lần đầu vào năm 2006 bởi Giáo sư Michael E. Porter và Giáo sư Mark R. Kramer trên Tạp chí Harvard Business Review (HBR). Đây là một hướng tiếp cận mới nhằm xây dựng doanh nghiệp gắn liền với xã hội bền vững.
Theo đó, Giá trị chung (Shared Value) có thể được hiểu là các chính sách và hoạt động thực tiễn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp trong khi đồng thời nâng cao các điều kiện kinh tế và xã hội ở cộng đồng mà doanh nghiệp đó hoạt động.